Gia thế & Cơ duyên Nhất_Hưu_Tông_Thuần

Tương truyền Sư là con của một cung phi, bị Nhật hoàng hất hủi khi mang thai Sư. Lên năm tuổi, Sư được mẹ gửi vào một ngôi chùa gần nhà. Năm lên mười ba, Sư đến Kiến Nhân tự (ja. kennin-ji) nhưng chỉ khoảng bốn năm sau đó, Sư rời chùa này vì không hài lòng với phong cách sinh hoạt quá phàm tục của những vị tăng tại đây. Sư đến tham học với Khiêm Ông (ja. gen'ō) - một vị tăng độc cư tu tập - và cũng có chút sở đắc nơi đây nhưng không bao lâu, Khiêm Ông tịch và Sư lại phải lên đường cầu đạo.

Chỉ một năm sau, Sư tìm được vị chân sư của mình là Hoa Tẩu Tông Đàm (zh. 華叟宗曇, ja. kesō sōdon, 1352-1428), vị trụ trì của Đại đức tự. Hoa Tẩu không ở tại chùa Đại đức mà lại ngụ tại một am gần đó để tránh sự náo nhiệt, phong cách quá nhập thế của một Thiền viện thời đó. Sư lưu lại đây chín năm và kiên nhẫn chịu đựng phương pháp tu tập rốt ráo của Hoa Tẩu. Nhân khi tham công án thứ 15 của tập Vô môn quan - với tên Động Sơn (Thủ Sơ) ba hèo (Động Sơn tam đốn) - Sư có ngộ nhập. Không bao lâu sau, trong khi toạ thiền trên một chiếc thuyền, Sư nhân nghe một con quạ kêu to bỗng nhiên ngộ đạo. Sư bèn trình Hoa Tẩu và được vị này ấn khả. Sư không nhận ấn chứng này và có thuyết bảo rằng Sư xé bỏ bản ấn chứng này ngay sau khi nhận. Sư tự tin rằng kinh nghiệm giác ngộ của ai chỉ có người ấy biết và không ai có thẩm quyền quyết định được cái thật hoặc giả của kinh nghiệm giác ngộ của Sư. Với những hành động này, Sư đảo ngược truyền thống ấn chứng của Thiền tông và chính Sư cũng không ấn chứng cho ai trong cả cuộc đời hoằng hoá của mình. Mặc dù vậy, Sư ở lại hầu cho đến lúc Hoa Tẩu viên tịch (1428).